Bệnh đục thủy tinh thể: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị, phòng ngừa

Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng đầu trên thế giới và Việt Nam (chiếm 66%). Bệnh thường xuất hiện ở người già trên 50 tuổi, tuy nhiên gần đây cũng xuất hiện ở người trẻ.

ĐỤC THỦY TINH THỂ LÀ GÌ?

Bệnh đục thủy tinh thể hay còn gọi là bệnh cườm đá, cườm khô, là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi dưới tác động của các chất gây hại sinh ra từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài. Đục thủy tinh thể là hiện tượng có lớp màng che phủ thủy tinh thể trong suốt của mắt. Vì vậy, người bị đục thủy tinh thể, nhìn sẽ thấy có gợn mây như nhìn qua cửa sổ có sương mù.

NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể, trong đó có nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.

- Nguyên nhân nguyên phát:

● Do quá trình lão hóa tự nhiên ảnh hưởng tới tỉ lệ và thành phần protein của thủy tinh thể, thường gặp ở tuổi già. Theo các nghiên cứu tại Framingham Eye Study, tỷ lệ người mắc bệnh đục thủy tinh thể ở tuổi 55 - 64 là 4,5%, tỷ lệ này tăng lên 18% ở độ tuổi 65 - 74 tuổi và cao nhất ở tuổi từ 75 - 84 là 45,9%.

● Do bẩm sinh: liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền.

- Nguyên nhân thứ phát:

● Do thường xuyên sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến mắt như corticoid, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, các thuốc chống loạn nhịp (amiodarone ), thuốc chống trầm cảm…

● Do mắc các bệnh khác tại mắt tái đi tái lại nhiều lần như viêm màng bồ đào

● Những người mắc các bệnh toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì…

● Do thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại, tia X, ánh sáng tia chớp, tia hàn…

CHẨN ĐOÁN BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ

Kiểm tra thị lực: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thị lực lần lượt cả hai mắt thông qua biểu đồ, thiết bị chuyên dụng với bảng chữ cái từ to đến nhỏ. Dựa vào kết quả đó, bác sĩ sẽ đánh giá thị lực của người bệnh.

Kiểm tra thị lực bằng kính hiển vi: Kính hiển vi sẽ phóng đại các cấu trúc phía trước của mắt, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện những bất thường bên trong mắt.

ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ

Tùy thuộc vào tình trạng thị lực, các giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp như sử dụng kính hỗ trợ, phẫu thuật mắt…

1. SỬ DỤNG KÍNH HỖ TRỢ

Đục thủy tinh thể ở giai đoạn sớm, thị lực chưa bị ảnh hưởng nhiều, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân đeo kính hoặc sử dụng kính lúp hỗ trợ. Đồng thời, cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho mắt giúp bảo vệ mắt nhiều hơn, giảm thiểu các rối loạn thị lực.

2. PHẪU THUẬT MẮT

Trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn nặng, không thể sử dụng thuốc và kính hỗ trợ, bác sĩ sẽ chỉ định phải phẫu thuật thay thế thủy tinh thể nhân tạo. Hiện nay, phương pháp Phaco được đánh giá là phương pháp nhanh gọn, an toàn, hiệu quả trong phẫu thuật đục thủy thể.

PHÒNG NGỪA BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ

●Cần thăm khám sức định kỳ (6 tháng/lần)

●Cần đeo kính mát để bảo vệ mắt khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia UV và khói bụi

●Xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì vận động thường xuyên, hạn chế thức khuya, dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, kiểm soát căng thẳng

● Có chế động dinh dưỡng cân đối, tăng cường bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho mắt bằng rau củ, trái cây xanh đậm, các loại hạt.